Không để rác thải nhựa gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các đơn vị liên quan vừa tổ chức khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) trong lĩnh vực du lịch”. Dự án được kỳ vọng tạo "cú huých" để Việt Nam làm du lịch xanh, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh rác thải đang là vấn đề gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh và thương hiệu du lịch của Việt Nam.
Rác thải làm giảm chỉ số cạnh tranh
Cứ sau mỗi đêm, khi thủy triều rút xuống, các bãi biển ngập rác. Đây là thực trạng chung của các bãi biển ở Việt Nam. Một số nơi tổ chức thu gom, dọn dẹp, nhưng nhiều nơi vẫn để mặc biển đưa đến rồi lại đưa đi rác thải do con người tạo ra. Chúng tôi đi Hạ Long (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) đều thấy rác thải nhựa. Ngay Thủ đô Hà Nội cũng vậy, du khách dễ dàng nhìn thấy rác vứt không đúng nơi quy định. Nhiều du khách bày tỏ khó chịu vì rác thải ảnh hưởng tới hành trình trải nghiệm của họ.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), lượng khách du lịch tăng và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã xả lượng lớn chất thải. Năm 2019, với hơn 61 triệu lượt khách du lịch, riêng rác thải nhựa tại Việt Nam đã là 116.144 tấn/năm. Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang)... đã và đang phải đối phó với hiện tượng ô nhiễm rác thải. TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cảnh báo: “Nếu không có các biện pháp giảm thiểu, riêng lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019. Trong khi nhu cầu xanh-sạch-đẹp trong du lịch là nhu cầu phổ biến hiện nay. Trong các chỉ số về xếp hạng du lịch, chỉ số về sự bền vững và môi trường của Việt Nam hiện đang xếp hạng thấp nhất (thứ 94)”. Đồng tình với quan điểm đó, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Môi trường tại các điểm du lịch luôn là vấn đề nóng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương, đồng thời cũng là một trong những lý do khiến khá nhiều du khách quốc tế một đi không trở lại”.
Khách sạn Meliá Hanoi với ngày hội tái chế rác thải nhựa.
Làm du lịch xanh có khó?
Amanoi Ninh Thuận (Ninh Thuận), Six Senses vịnh Ninh Vân (Khánh Hòa)... là những khu nghỉ dưỡng có giá trị bán phòng cao nhất Việt Nam chính nhờ triết lý tôn trọng môi trường. Ngay cả khách nội địa cũng sẵn sàng trả tiền giá cao cho các địa điểm chú trọng thân thiện môi trường. Nhà hàng Cánh đồng (Quảng Nam) hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn nên không có rác thải. Giá dịch vụ của nhà hàng rất cao nhưng luôn kín chỗ... Những ví dụ đó cho thấy, một địa điểm thân thiện với môi trường rất được lòng du khách.
Chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương mình, ông Văn Bá Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Từ năm 2019, Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung đã có những hoạt động để giảm rác thải nhựa. Bắt đầu là khuyến khích, sau dùng chế tài. Chẳng hạn, nếu không sử dụng những biện pháp mạnh thì có lẽ Cù Lao Chàm không được như bây giờ. Chúng tôi là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng tiêu chí xanh-sạch-đẹp với 6 chủ đề. Sau một năm triển khai, vận động chủ thể tham gia áp dụng bộ tiêu chí, thực hành xanh hóa sản phẩm du lịch, khuyến khích du lịch có trách nhiệm, chúng tôi nhận được sự ủng hộ lớn từ cộng đồng, doanh nghiệp, người dân. Doanh nghiệp nhận thấy đây là xu hướng để thu hút khách vì nhiều du khách sẵn sàng trả thêm cho những địa điểm thực hành tiêu chí xanh. Điều này đã góp phần làm nên những giải thưởng danh giá về du lịch mà Hội An liên tục giành được những năm qua. Chúng tôi nhận thấy bảo đảm môi trường xanh-sạch-đẹp tác động lớn đến lượng khách đến Quảng Nam cũng như tạo ra thương hiệu điểm đến xanh”.
Tuy nhiên, những địa điểm du lịch xanh như vậy chưa nhiều. Tham khảo ý kiến, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, làm du lịch xanh khá tốn kém. Chẳng hạn, chi phí để mua các sản phẩm thân thiện môi trường luôn cao hơn. Chưa kể doanh nghiệp phải thêm tiền để chi cho người thực hiện thu gom, xử lý rác thải hay đơn cử như dùng chai nhựa một lần tại các khách sạn cũng thuận lợi hơn nhiều khi dùng chai thủy tinh hằng ngày phải có người rửa, đổ nước vào bình... Tuy nhiên, đại diện cho nhóm 7 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, ông Trịnh Đức Kiên, Phó giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ thông tin: “Sản phẩm thân thiện môi trường chúng tôi bán ra đều được sản xuất tại Việt Nam, không hề đắt, không gây gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Chỉ có điều chúng ta đang quen dùng những sản phẩm quá rẻ. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi thiếu sự kết nối để giới thiệu nhiều nhất đến thị trường Việt Nam mà chủ yếu xuất khẩu”.
Ông Văn Bá Sơn cho rằng: “Phải có quy định cụ thể, có chính sách đánh vào lợi ích mới thực hiện được du lịch thân thiện môi trường vì lợi ích thay đổi hành vi. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích các chủ thể cung cấp sản phẩm du lịch thực hiện được du lịch xanh. Chẳng hạn ngoài khen thưởng, động viên thì ngành du lịch có thể thực hiện xếp hạng sao cơ sở lưu trú có thêm tiêu chí xanh...”. Theo ông Vũ Thế Bình: “Nếu người kinh doanh du lịch làm tốt việc của mình thì mới thu hút được khách du lịch và du khách cũng sẽ ý thức hơn để bảo vệ môi trường vì rác thải là thứ dễ nhìn và dễ bị phản ánh. Do đó, đây là việc phải làm ngay, làm trước. Vì thế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam triển khai dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch" hướng tới người kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch... Dự án được thí điểm tại một số nhà hàng, khách sạn, khu, điểm du lịch tại hai tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và sẽ được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước”.
CÁC TIN TỨC KHÁC